728x90 AdSpace

  • Latest News

    Sep 2, 2016

    Sụp đổ - Jared Diamond

    Sụp Đổ 

    Các Xã Hội Đã Thất Bại Hay Thành Công Như Thế Nào?

    Tác giả: Jared Diamond; Dịch giả: Hà Trần

     

    Cuốn sách này có gì? Hiểu cách thức và lý do các xã hội sụp đổ.

    Mỗi năm hàng ngàn khách du lịch đi dã ngoại qua Guatemala để đến thăm thành phố cổ Tikal. Mặc dù thành phố đã bị bỏ hoang trong nhiều thế kỷ, nhưng những ngôi đền đổ nát hùng vĩ và những đại lộ rộng mở của thành phố cho thấy rằng nền văn minh Maya đã xây dựng ra nó chắc hẳn phải từng vô cùng mạnh mẽ và được tổ chức tốt. Nhưng mặc cho những điểm mạnh rõ ràng của họ, người Maya đã biến mất từ lâu. Mặc dù họ đã có thể xây dựng những tượng đài lớn và các trung tâm đô thị phức tạp, họ vẫn không thể ngăn thế giới của mình tan vỡ.
    Và sự sụp đổ của nền văn minh Maya chỉ là một ví dụ; lịch sử nhân loại có rất nhiều nền văn minh thịnh vượng đã bị biến mất.
    Tóm tắt sau sẽ cho bạn thấy cách thức diễn ra quá trình sụp đổ này. Tác giả giải thích những yếu tố khiến một xã hội thất bại: tự phá hủy môi trường; biến đổi khí hậu; vấn đề với các đối tác thương mại; thiệt hại từ kẻ thù; và sự thiếu linh hoạt của các tổ chức của xã hội khi cần phải thay đổi. Một xã hội bị ảnh hưởng bởi một hoặc một số yếu tố này sẽ phải nỗ lực để tồn tại.
    Bạn sẽ thấy những xã hội cổ xưa đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi những thách thức thường lặp đi lặp này như thế nào. Và bạn cũng sẽ thấy ngay cả những xã hội ngày nay của chúng ta cũng đang phải chịu nguy cơ suy tàn và sụp đổ ra sao.

    Xã hội có thể sụp đổ nếu tiêu thụ quá mức tài nguyên thiên nhiên.

    Những xã hội đã biến mất từ lâu để lại dấu vết của mình trên toàn cầu, từ các kim tự tháp Ai Cập đến những ngôi đền Inca ở Nam Mỹ. Một trong những ví dụ nổi tiếng nhất của các di sản cổ xưa là những bức tượng đá Moai trên đảo Phục Sinh.
    Có hơn 800 tượng Moai, một số cao tới mười mét. Khi các nhà thám hiểm châu Âu đầu tiên đặt chân lên đảo năm 1722, họ đã kinh hoàng bởi kích thước và số lượng của Moai. Tuy nhiên, họ không thể hiểu làm cách nào để di chuyển những bức tượng đá ra đó. Họ chỉ có thể tìm thấy 2.000 người dân bản địa trong trạng thái nửa chết đói, những người mà chắc chắn không thể thực hiện được kỳ tích đó.
    Điều mà những người châu Âu đó không biết là nhiều thế kỷ trước, Đảo Phục Sinh là quê hương của một xã hội sôi động và thịnh vượng. Từng có một khu rừng nhiệt đới phong phú bao phủ hòn đảo, nuôi sống nhiều loài chim và động vật. Cùng với cá trong vùng biển xung quanh, hệ động-thực vật phong phú đã cung cấp đủ tài nguyên để nuôi sống dân số 30.000 người. Chính cộng đồng này đã dựng lên các Moai, là tượng của các vị thần của họ.
    Vậy chuyện gì đã xảy ra với họ?
    Thế giới của những người xây dựng nên Moai đã suy tàn vì họ đã gây ra cái gọi là hủy diệt sinh thái; họ lạm dụng và làm cạn kiệt những tài nguyên quan trọng. Đầu tiên, khu rừng trên hòn đảo đã bị chặt hạ một cách hệ thống để xây dựng và vận chuyển các tượng Moai từ mỏ đá đến những nơi thờ phụng. Quá trình này tiếp tục cho đến khi không còn sót tí rừng nào. Vào thời điểm người châu Âu đến, trên đảo không có lấy một cây cao hơn ba mét.
    Thật không may, khi cây biến mất thì chim chóc và động vật trên đảo cũng chịu chung số phận. Việc mất rừng cũng ảnh hưởng đến khả năng đánh cá của người dân trên đảo, vì không còn cây lớn nghĩa là không còn gỗ để làm thuyền đánh cá. Cuối cùng, không có chất dinh dưỡng từ cây cối, mùa màng của người dân đảo bắt đầu kém đi.
    Những nguồn thực phẩm chính bị cạn kiệt, xã hội Đảo Phục Sinh nhanh chóng rơi vào tình trạng tồi tệ mà người châu Âu gặp phải.

    Xã hội có thể sụp đổ nếu mất các đối tác thương mại lớn.

    Bạn đã bao giờ xem chuyển thể điện ảnh của sự kiện Nổi loạn trên tàu Bounty chưa? Đó là câu chuyện có thật về cách thủy thủ đoàn của một tàu của Anh thế kỷ XVIII nổi loạn chống lại người chỉ huy độc ác của họ. Sau khi chiếm được tàu họ quyết định định cư trên một nhóm nhỏ các đảo trên Thái Bình Dương được gọi là Pitcairns.
    Mặc dù các đảo bị bỏ hoang khi họ đến, họ đã phát hiện ra nhiều công cụ bằng đá và xương. Dường như đã từng có người sống ở đó, nhưng họ đã đi đâu rồi?
    Trong thực tế, nhiều thế kỷ trước khi thủy thủ đoàn của tàu Bounty đến quần đảo, đó là nhà của những cộng đồng hưng thịnh. Vì hai hòn đảo chính, Pitcairn và Henderson, quá nhỏ để cung cấp đủ tài nguyên cho dân cư nên họ đã phải phát triển nên một hệ thống thương mại tinh vi với láng giềng gần nhất là người dân đảo Mangareva.
    Đổi lại vỏ sò và đá núi lửa, người dân đảo Pitcairn nhận được những mặt hàng thiết yếu như các loại hoa màu, động vật và thậm chí cả phụ nữ từ phía Mangareva. Những người phụ nữ đóng vai trò quan trọng vì kích thước nhỏ của đảo Pitcairns có nghĩa là người dân đảo luôn cần những bạn tình mới để tránh phải loạn luân.
    Trong khi sự dàn xếp này mang lại cho cư dân đảo Pitcairn những gì họ cần, nó lại tạo ra một điểm yếu rất lớn: sự tồn tại của họ phụ thuộc rất lớn vào hoạt động của các đối tác thương mại chính của họ.
    Không may cho người dân trên đảo Pitcairn là xã hội Mangarevan sớm quay lưng lại với họ. Mangareva bắt đầu phát triển phong phú hơn và dân số của đảo tăng lên tương ứng, và do đó, càng ngày rừng càng bị tàn phá nhiều hơn để tạo ra không gian trống cho cây lương thực. Cuối cùng nhiều cây cối bị chặt hạ đến nỗi chỉ còn rất ít cây đủ phẩm chất để làm thuyền đi biển. Do đó người dân trên đảo Mangareva mất đi khả năng giao thương với dân đảo Pitcairns.
    Mất khả năng tiếp cận với nguồn thực phẩm chính và nguồn di truyền mới, người dân trên đảo Pitcairn trở nên bất lực. Không rõ là sự sụp đổ của họ đã diễn ra nhanh chóng hay từ từ, nhưng vào thời điểm thủy thủ đoàn của tàu Bounty đến thì xã hội của họ đã biến mất.

    Khả năng lãnh đạo kém có thể làm trầm trọng thêm vấn đề của xã hội, khiến xã hội suy thoái và sụp đổ.

    Một trong những điểm du lịch nổi tiếng nhất ở Trung Mỹ là một thành phố cổ đại, bị bỏ hoang của người Maya, thành phố Tikal. Những cấu trúc khổng lồ của thành phố - một số cao hơn 70 mét - cho thấy rằng người Maya phải có lúc vô cùng hùng mạnh và giàu có.
    Nhưng bất chấp sự giàu có và thống trị, nền văn minh Maya đã sụp đổ và các thành phố bị bỏ lại hoang tàn. Sự sụp đổ của nó là do tự nó gây ra.
    Sự sụp đổ của nền văn minh Maya khởi đầu với việc nguồn cung cấp thực phẩm của nó bị gián đoạn.
    Khi thành phố Tikal trở nên giàu có hơn, dân số của nó bắt đầu tăng trưởng nhanh chóng. Đối mặt với nhiều miệng ăn, các nhà lãnh đạo Maya đã phản ứng bằng cách chặt hạ các khu rừng xung quanh để lấy đất nông nghiệp trồng lương thực. Về ngắn hạn, điều này có thể đã mang lại nhiều thức ăn hơn, nhưng về lâu dài nó tạo ra áp lực môi trường rất lớn, giống như điều đã xảy ra trên đảo Pitcairns.
    Việc mất rừng dẫn đến lớp đất bề mặt bị xói mòn. Điều này có hai hệ quả Thứ nhất, sự xói mòn khiến những cánh đồng kém màu mỡ hơn vì chất dinh dưỡng trong đất bị cuốn trôi. Thứ hai, đất bị cuốn vào những con sông gần đó, làm tắc nghẽn hệ thống thủy lợi. Điều này dẫn đến một đợt khô hạn làm khô héo cây trồng.
    Trong khi tổn thất trên về mùa màng là một vấn đề rất lớn, nó vẫn chưa đủ để phá hủy xã hội của người Maya. Để điều này xảy ra một yếu tố khác phải góp phần vào, đó là sự lãnh đạo yếu kém.
    Khi đối mặt với một cuộc khủng hoảng nhân mãn và thiếu thực phẩm, những nhà lãnh đạo tốt sẽ cố tìm kiếm giải pháp. Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo Maya đã làm ngược lại - họ chỉ đơn giản là bỏ qua tình hình ngày càng tồi tệ này. Đối với họ, điều quan trọng là tập trung vào việc củng cố quyền lực của riêng mình. Vì vậy, thay vì tìm cách để tạo ra nhiều lương thực một cách bền vững, họ đã dành thời gian và nguồn lực vào việc xây dựng những tượng đài tốn kém hơn bao giờ hết cho bản thân và tiến hành chiến tranh với các đối thủ.
    Những cuộc chiến tranh và sự lãng phí năng lượng này đã giúp đẩy nhanh sự suy giảm mà đã khởi phát bằng những tổn thất đối với môi trường. Những yếu tố này đã cùng nhau khiến một xã hội từng có thời hùng mạnh phải quỳ gối thất bại.

    Những xã hội từ chối thích ứng với các thay đổi môi trường sẽ diệt vong.

    Bạn sẽ nghĩ gì khi nhắc đến người Viking? Hình ảnh hiện đại về họ là những người đàn ông mạnh mẽ và vạm vỡ phát triển thịnh vượng trong khí hậu lạnh và khắc nghiệt.
    Tuy nhiên, họ đã không thể phát đạt được trong một môi trường, là Greenland. Tại sao một dân tộc đã thành công trong việc chinh phục phần lớn Bắc Âu lại phải chịu thất bại ở đó?
    Đầu mối nằm trong loại hình xã hội mà họ đã tạo ra. Khi những người Viking định cư ở Greenland năm 1000 sau công nguyên, họ đã cố gắng để sống theo cùng một lối sống mà họ đã trải qua tại Scandinavia. Thật không may, những điều kiện ở Greenland khác biệt rất lớn với các điều kiện ở quê nhà.
    Chế độ ăn thịt gia súc của Viking là một khía cạnh đời sống vùng Scandinavia mà lẽ ra họ nên từ bỏ. Greenland là một môi trường không thích hợp cho gia súc; chỉ có vài khu vực đồng cỏ tốt, và vì những con vật nuôi không có nguồn gốc bản địa nên phải được mang tới. Điều này có nghĩa rằng tồn tại ở Greenland cần nhiều công sức hơn là ở Scandinavia.
    Một phong tục khác của vùng Scandinavia mà không thích hợp với Greenland là sự áp đặt một xã hội có thứ bậc nghiêm ngặt. Xã hội người Viking rất coi trọng các biểu tượng về địa vị xã hội như ngà hải mã để chứng minh tầm quan trọng của một người. Nhưng trong khi theo đuổi những đồ vật vô dụng đó, người dân bị phân tâm khỏi các nhiệm vụ quan trọng như thu hoạch mùa màng.
    Những hành vi này đẩy thuộc địa của người Viking ở Greenland vào rủi ro, nhưng chính hành vi từ chối thay đổi lối sống đã đẩy họ vào nguy hiểm.
    Trong khi cộng đồng Viking phải vất vả để tồn tại, dân Inuit bản địa ở Greenland lại là các chuyên gia trong việc sống trong môi trường của mình. Nếu những người Viking học hỏi từ họ, thì họ đã có thể biết, ví dụ, rằng cá là một nguồn thực phẩm tốt hơn so với gia súc. Nhưng những người Viking từ chối học hỏi từ những người mà họ cho là thấp kém hơn, và do đó họ cứng đầu cứng cổ tiếp tục lối sống cũ.
    Những thói quen tồi và sự từ chối thích nghi của người Viking tại Greenland khiến họ dễ bị tổn thương. Khi khí hậu bắt đầu lạnh hơn vào năm 1300 sau công nguyên, họ đã không thể đối phó và cộng đồng của họ đã diệt vong.

    Xã hội có thể tránh sụp đổ nếu quản lý cẩn thận môi trường và dân số.

    Qua những tóm tắt vừa rồi, chúng ta đã học được rằng xã hội sụp đổ vì nhiều lý do khác nhau như biến đổi khí hậu, dân số quá đông và tổn hại về môi trường. Trong phần này, chúng ta sẽ khám phá cách các xã hội tránh được những hiểm họa đó và thành công trong dài hạn.
    Hòn đảo nhỏ, cô lập Tikopia ở Thái Bình Dương là một ví dụ tuyệt vời. Bất kể việc xa cách các xã hội láng giềng nhiều dặm, xã hội Tikopian đã phát triển mạnh trong hơn 3.000 năm. Đó là vì tất cả mọi người trên đảo- không chỉ các nhà lãnh đạo - rất cẩn trọng trong việc giữ nguồn cung cấp lương thực ổn định.
    Họ làm điều này theo hai cách. Thứ nhất, họ đảm bảo rằng mình sản xuất thực phẩm theo cách hiệu quả nhất. Ví dụ, năm 1600 sau công nguyên, sau khi phát hiện ra rằng phải mất mười kg rau mới sản xuất được một kg thịt lợn, người dân Tikopia quyết định giết sạch số lợn trên đảo. Họ chuyển sang một chế độ ăn uống hiệu quả dựa trên cá và thực vật.
    Cách thứ hai người dân Tikopian tránh tạo áp lực lên nguồn cung thực phẩm là tránh quá tải dân số. Trong nhiều thế kỷ người dân đảo đã thực hành nhiều hình thức tránh thai khác nhau. Phổ biến nhất là giao hợp gián đoạn (phương pháp rút dương vật ra trước khi xuất tinh). Và nếu không thành công thì họ phá thai bằng cách nhấn đá nóng lên trên bụng của phụ nữ mang thai.
    Phương pháp này của người dân đảo Tikopia dựa trên sự góp sức của tất cả mọi người trong xã hội và đóng một vai trò lớn trong việc ngăn chặn sự sụp đổ. Các xã hội khác đã thành công bằng cách sử dụng một cách tiếp cận có phần từ trên xuống hơn.
    Ví dụ, người Nhật được hưởng nhiều thế hệ thành công thông qua lãnh đạo hợp lý và có cân nhắc kỹ. Vào giữa thế kỷ XVII, các nhà lãnh đạo Nhật Bản nhận ra rằng các khu rừng của mình đang bị chặt hạ với tốc độ quá nhanh. Các nhà lãnh đạo đã hành động, và khởi xướng một chương trình trồng rừng rất lớn. Chương trình có hiệu quả, và ngày nay 80% đất nước Nhật Bản được cây xanh bao phủ, một kết quả của những quyết định hợp lý.
    Chúng ta đã thấy các xã hội trong quá khứ bị ảnh hưởng bởi sự sụp đổ như thế nào; trong các tóm tắt sau chúng ta sẽ khám phá ra rằng các xã hội hiện đại hiện đang trong tình thế nguy hiểm ra sao.

    Nạn diệt chủng ở Rwanda có thể một phần là do quản lý môi trường yếu kém.

    Nếu bạn đề cập đến Rwanda với bất cứ ai, chắc hẳn họ sẽ nghĩ đến nạn diệt chủng khủng khiếp xảy ra vào năm 1994, khi 800.000 người thuộc sắc tộc Tutsi đã bị giết chết bởi một sắc tộc chính khác của cùng một quốc gia, những người Hutu.
    Hầu hết mọi người đều đồng ý rằng động lực chính đằng sau vụ sát hại là bạo lực sắc tộc mang động cơ chính trị. Nhưng còn có các yếu tố khác can dự vào. Bạn có thể nhận ra một trong những yếu tố này - là sự quá tải dân số - từ những xã hội đã sụp đổ trong quá khứ nói trên.
    Để hiểu xem sự quá tải dân số ảnh hưởng đến xã hội Rwanda trước khi nạn diệt chủng xảy ra như thế nào, bạn chỉ cần nhìn vào mật độ dân số cao của đất nước này. Năm 1990, trung bình có 760 người dân trên mỗi dặm vuông Rwanda. Để so sánh, mật độ dân số của nước Anh phát triển cao là 610 người trên mỗi dặm vuông.
    Tuy nhiên, không như Vương quốc Anh, Rwanda thiếu ngành sản xuất nông nghiệp hiệu quả, nghĩa là việc cung cấp thực phẩm luôn trong trạng thái căng thẳng và nạn đói là phổ biến. Để có đủ thức ăn cho mọi người, người ta canh tác trên mọi mảnh đất có thể canh tác được. Nhưng ngay cả như vậy vẫn không đủ, và nhiều người trẻ đã phải sống với cha mẹ mình vì họ không được sở hữu đất nông nghiệp của riêng mình.
    Cuộc xung đột đất đai gia tăng bị một số kẻ lợi dụng với ý đồ xấu xa trong cuộc diệt chủng. Nhiều người thấy rằng ​​sự căng thẳng gia tăng là cơ hội hoàn hảo để nhắm vào những người khác giàu có hơn và đặc quyền hơn mình - thường là dựa theo những khác biệt về sắc tộc. Và cuộc giết chóc bắt đầu.
    Trong khi tình trạng dân số và áp lực môi trường không thể được xem là nguyên nhân chính của thảm họa, chúng chắc chắn đã đóng một vai trò đáng kể.

    Tăng trưởng chưa từng có của Trung Quốc có thể có những hậu quả nguy hiểm cho toàn thế giới.

    Một trong những câu chuyện chủ đạo của thời đại chúng ta là sự tăng trưởng thần kỳ của Trung Quốc. Trong vài thập kỷ vừa qua nền kinh tế này đã phát triển với một tốc độ không thể tin được, và nó sẽ sớm bắt kịp và thậm chí vượt qua cả nền kinh tế Mỹ.
    Nhưng khi một xã hội lớn như Trung Quốc - 1,3 tỷ người - theo đuổi tốc độ tăng trưởng cao như vậy, chắc chắn sẽ tạo ra những hệ quả rất lớn.
    Một trong những hệ quả này là môi trường. Trong khi theo đuổi sự thịnh vượng kinh tế, Trung Quốc đã được công nghiệp hóa với tốc độ nhanh. Không có gì được phép làm chậm quá trình này; các quy định ngăn ngừa ô nhiễm và khai thác tài nguyên đã bị lấp liếm hoặc bỏ qua.
    Trong khi việc thiếu vắng các quy định về môi trường có thể tốt cho nền kinh tế, điều đó lại xấu cho mọi thứ khác. Chất lượng không khí và nước ở Trung Quốc đã giảm đáng kể. Ví dụ, cho tới năm 2005, có 300.000 người bị chết mỗi năm do ô nhiễm không khí. Và điều này không chỉ là một loạt những bi kịch cá nhân trên một quy mô không thể tưởng tượng nổi, mà còn bòn rút chi tiêu công. Mỗi năm 54 tỷ $, hoặc tám phần trăm GDP của Trung Quốc, được dành để đối phó với các vấn đề sức khỏe do ô nhiễm.
    Tuy nhiên, cái giá cho sự trỗi dậy của Trung Quốc không chỉ giới hạn ở Trung Quốc - tất cả chúng ta đều bị ảnh hưởng. Hãy lấy biến đổi khí hậu làm ví dụ. Nếu Trung Quốc phát triển đến một mức độ mà dân số của nó có thể được hưởng tiêu chuẩn sống của phương Tây, thì sự gia tăng khí thải nhà kính sẽ là nguy kịch cho hành tinh này.
    Nhưng trước khi bạn bắt đầu tức giận với người dân Trung Quốc và chính phủ vì cho phép điều này xảy ra, bạn nên nhớ rằng chúng ta ở phương Tây cũng phải chia sẻ một số trách nhiệm. Các doanh nghiệp phương Tây đang rất sung sướng chuyển các ngành công nghiệp gây ô nhiễm của họ sang Trung Quốc và tất cả chúng ta đang hạnh phúc được tiêu thụ hàng hóa giá rẻ từ Trung Quốc.
    Vì vậy, tăng trưởng của Trung Quốc tạo ra vấn đề cho tất cả chúng ta - những vấn đề mà chúng ta đều có trách nhiệm. Cách chúng ta đối phó với những vấn đề môi trường này sẽ quyết định tương lai của xã hội loài người.

    Nhiều xã hội trông khỏe mạnh, nhưng thực ra chúng đang thối rữa từ bên trong.

    Trong hai phần qua, chúng ta đã thấy rằng hai nước đang phát triển, Trung Quốc và Rwanda, đã trải qua các yếu tố có thể gây ra sự sụp đổ của xã hội. Nhưng không chỉ có các xã hội thuộc thế giới chưa phát triển mới bị ảnh hưởng theo cách này; các cộng đồng phương Tây cũng có nguy cơ.
    Hãy lấy Montana làm ví dụ. Montana nằm phía góc tây bắc của Hoa Kỳ và nổi tiếng với cảnh quan tuyệt đẹp. Du khách đổ tới bang này hàng năm để ngắm nhìn những dòng suối trong vắt, đầy cá hồi, những ngọn núi hoang dã và những khu rừng nguyên sơ ngút ngàn. Tuy nhiên, dù khu vực này có thể trông như thiên đường cho khách du lịch, môi trường của nó đang bị đe dọa liên tục.
    Những mối đe dọa này đến từ nhiều yếu tố. Ví dụ, cách xa tầm nhìn của khách du lịch, các công ty khai thác mỏ đang đào sâu vào núi đá Montana nhằm tìm kiếm của các kim loại có giá trị như đồng. Để thu hoạch các kim loại này, họ phải sử dụng các hóa chất độc hại, là những chất gây ô nhiễm môi trường xung quanh.
    Một yếu tố khác là nạn phá rừng. Các công ty khai thác đã chặt hạ nhiều vạt rừng Montana để lấy gỗ. Cuối cùng là biến đổi khí hậu. Vì nhiệt độ toàn cầu tăng lên, các dòng sông băng của bang này đang tan chảy, gây thiệt hại sinh thái nghiêm trọng.
    Nhiều người trong số bạn bây giờ có thể đang tự hỏi tại sao không có ai ngăn chặn những việc này. Có chắc là các quan chức ở Montana có thể ngăn chặn những thiệt hại về môi trường đang tàn phá bang mình không?
    Thật không may, những người cầm quyền ở Montana có xu hướng chấp nhận thiệt hại này như một tác dụng phụ có thể chấp nhận được của những công việc mà các công ty khai thác mỏ và khai thác gỗ mang lại. Và chừng nào những thiệt hại không vươn tới quá gần với các điểm du lịch hấp dẫn, thì điều đó không được coi là vấn đề.
    Nhưng quan điểm này là rất nguy hiểm. Nếu thiệt hại với môi trường ở Montana được phép tiếp tục, điều đó có thể là không thể đảo ngược được trong dài hạn.
    Chúng ta đã thấy rằng có những khu vực của xã hội hiện đại đang có nguy cơ sụp đổ. Trong vài nháy mắt tiếp theo chúng ta sẽ xem xét những gì chúng ta có thể làm để ngăn chặn điều này.

    Có những tương đồng đáng lo ngại giữa các xã hội đã sụp đổ trong quá khứ và các xã hội của chúng ta ngày hôm nay.

    Hầu hết chúng ta hiện đang được hưởng một mức sống chưa từng có trong lịch sử loài người. Chúng ta khỏe mạnh hơn và sống lâu hơn bất cứ ai trước đây, và chúng ta có quyền truy cập đến những tri thức và công nghệ mà làm sửng sốt những người sống chỉ cách đây một thế kỷ.
    Tuy nhiên, mặc cho tất cả các tiến bộ và tinh xảo này, tất cả chúng ta - bất kể nơi chúng ta đang sống - có nguy cơ lặp lại những sai lầm của các xã hội trong quá khứ.
    Một ví dụ tuyệt vời là nạn nhân mãn. Nhiều nền văn minh vĩ đại đã sụp đổ dưới áp lực của việc có quá nhiều miệng ăn. Người Maya, như bạn có thể nhớ lại, đã đi từ một xã hội tăng trưởng và thịnh vượng đến nỗi sụp đổ vì nạn nhân mãn phá vỡ nguồn cung thực phẩm của họ. Điều đáng lo ngại đối với chúng ta là một hiện tượng tương tự đang xảy ra ngày hôm nay.
    Dân số thế giới đang tăng với một tốc độ chóng mặt, và để nuôi sống tất cả mọi người, nhiều vạt rừng khổng lồ trên thế giới đang bị đốn hạ để lấy đất nông nghiệp. Tác động lâu dài của sự mất mát rừng là xói mòn đất đai. Đất đai bị gió thổi bay hoặc mưa cuốn trôi hiện nay với tốc độ nhanh hơn 40 lần tốc độ hình thành đất mới. Nếu không có đất đai màu mỡ, những nỗ lực của chúng ta để sản xuất đủ thực phẩm gần như chắc chắn sẽ thất bại, bất kể chúng ta có đốn bao nhiêu cây đi nữa.
    Dù những viễn cảnh này có vẻ ảm đạm, ngày nay chúng ta có lợi thế mà các xã hội trong quá khứ không có.
    Một trong số đó là sự toàn cầu hóa. Hãy nhớ lại cách người dân trên đảo Pitcairn suy thoái bởi vì họ đã bị cô lập, hoặc cách người dân trên đảo Phục Sinh tiêu vong bởi sự mất mát tài nguyên thiên nhiên của họ. Trong một thế giới hiện đại và toàn cầu hóa, những vấn đề như vậy ít có khả năng xảy ra. Giờ đây các xã hội đang gặp khó khăn có thể dễ dàng nhận được giúp đỡ và tài nguyên mà họ cần thông qua mạng lưới thương mại quốc tế.
    Tuy nhiên, mặc dù toàn cầu hóa mang lại lợi ích rõ ràng, nó cũng mang lại những cái giá tiềm tàng rất lớn. Nếu 30.000 người dân trên đảo Phục Sinh có thể phá hủy hoàn toàn môi trường của họ, hãy tưởng tượng xem 6 tỉ người có thể làm những gì với nguồn tài nguyên của Trái Đất.

    Trách nhiệm quản lý môi trường thuộc về công chúng, không phải là các tập đoàn.

    Nếu xã hội hiện đại trượt dốc về phía sụp đổ, thì đổ lỗi cho ai đây? Hầu hết chúng ta sẽ nhanh chóng trả lời là, "các doanh nghiệp lớn." Khi chúng ta thấy tổn hại môi trường như các dòng sông bị ô nhiễm hoặc dầu mỏ bị rò rỉ, hầu hết chúng ta đổ trách nhiệm lên các tập đoàn lớn. Chúng ta nghĩ rằng, nếu họ hành xử có đạo đức hơn, vấn đề của chúng ta sẽ được giải quyết.
    Trong thực tế, khi các công ty thản nhiên hủy hoại môi trường, lỗi không thuộc về họ mà thuộc về chính chúng ta do đã cho phép họ hành xử theo cách đó.
    Một công ty, bất kể lớn hay mạnh mẽ thế nào, chỉ có một mối quan tâm đó là tối đa hóa lợi nhuận cho cổ đông. Để làm được điều này, họ sẽ làm bất cứ điều gì có thể. Nhiệm vụ của xã hội là đảm bảo rằng họ không được phép làm tổn hại đến môi trường khi họ tìm kiếm lợi nhuận.
    Vì vậy, nếu chúng ta muốn đảm bảo rằng các công ty hạn chế lượng khí carbon dioxide họ thải ra, thì chúng ta phải tạo ra các đạo luật trừng phạt những kẻ gây ô nhiễm. Nếu chúng ta chỉ khuyến khích các doanh nghiệp hành động có trách nhiệm hơn với vấn đề khí thải, chúng ta sẽ bị thất vọng. Nhưng nếu chúng ta trừng phạt những kẻ gây ô nhiễm bằng những khoản tiền phạt rất nặng hoặc kiện tụng tốn kém, có thể họ sẽ hành động theo một cách bền vững hơn.
    Ngành công nghiệp dầu khí là một ví dụ tuyệt vời về cách các công ty có thể được điều chỉnh để hành động có trách nhiệm hơn.
    Một số thảm họa môi trường tồi tệ nhất trong lịch sử là do các tập đoàn dầu mỏ khổng lồ gây ra. Hãy xem xét trường hợp tàu chở dầu Exxon Valdez, bị mắc cạn ngoài khơi bờ biển Alaska năm 1989 và đã gây thiệt hại khủng khiếp cho đời sống biển.
    Tuy nhiên, trong những năm gần đây ngành công nghiệp này đã bắt đầu phải dọn dẹp những hành vi của mình. Tại sao? Bởi vì nó bị bắt buộc phải trả cho những thiệt hại môi trường nó gây ra. Công ty đứng sau vụ tràn dầu ở Alaska đã phải đền bù tới 3,8 tỷ $. Kể từ đó, nhiều công ty dầu mỏ đã nhận ra rằng ngăn ngừa thiệt hại về môi trường là rẻ hơn so với chi phí làm sạch.

    Chúng ta chỉ có thể khắc phục các vấn đề của thế giới bằng cách giải quyết cùng nhau.

    Đại đa số các nhà khoa học trên thế giới tin rằng chính hoạt động của con người đang gây ra những biến đổi khí hậu toàn cầu nguy hiểm. Hầu hết các chính phủ và các cơ quan liên quốc gia đồng ý với họ. Tuy nhiên lượng khí thải carbon toàn cầu vẫn tiếp tục tăng. Tại sao chúng ta không thể hành động và ngăn chặn những tổn hại môi trường?
    Rắc rối với các mối đe dọa toàn cầu là không có ai cảm thấy có trách nhiệm trực tiếp với những đe dọa đó. Chúng ta đều có trách nhiệm với biến đổi khí hậu bất cứ khi nào chúng ta lái xe, để TV ở chế độ chờ hoặc mua những mặt hàng chúng ta không cần. Và bởi vì tất cả chúng ta đều có trách nhiệm, nên không ai đứng ra đảm đương vấn đề cả (cha chung không ai khóc).
    Thay vào đó chúng ta tự nhủ, "Tôi không gây ra quá nhiều ô nhiễm, những người khác đáng để đổ lỗi hơn tôi, tại sao tôi phải thay đổi thói quen của mình nếu họ không làm gì cả?" Quan điểm này được gọi là bi kịch của chung, và là lý do chúng ta không thể giải quyết được những mối đe dọa lớn nhất cho tương lai của chúng ta.
    Tuy nhiên, chúng ta có thể thách thức cách suy nghĩ này.
    Thay vì nhìn vào các vấn đề của thế giới từ quan điểm cá nhân, chúng ta cần phải xem xét chúng cùng nhau. Bằng cách này, chúng ta sẽ sớm nhận ra rằng tất cả chúng ta đều có trách nhiệm và rằng chúng ta đều sẽ gặp nguy nếu không làm gì cả.
    Để thấy điều này trong thực tế, hãy xem xét một ví dụ. Tại Hà Lan, có một vùng đất rộng lớn gọi là polder (đất lấn biển) nằm thấp hơn mực nước biển. Chúng được ngăn khỏi ngập nước bằng hệ thống đê mà cần phải được theo dõi và bảo trì liên tục. Nhưng ai là người để mắt tới chúng? Tất cả mọi người. Mọi người sống trên đất lấn biển đều biết rằng nếu vỡ đê thì tất cả - dù giàu hay nghèo - sẽ đều phải gánh chịu hậu quả. Do đó họ làm việc cùng nhau để giữ cho hệ thống đê làm việc tốt.
    Vì vậy, nếu chúng ta muốn giải quyết các vấn đề của thế giới chúng ta nên bắt đầu hành động như những người Hà Lan sống trên đất lấn biển, và đảm bảo rằng tất cả chúng ta đều đứng ra quản lý hành tinh của mình.

    Tóm tắt cuối cùng

    Thông điệp chính trong cuốn sách này:
    Sự sụp đổ của các xã hội cổ đại có thể được truy dấu tới một vài yếu tố liên quan đến thiệt hại về môi trường  lãnh đạo yếu kém. Thật không may, nhiều yếu tố trong số các yếu tố đó hiện đang có mặt trong một số không nhỏ xã hội hiện đại. Nếu chúng ta muốn các xã hội hiện đại của chúng ta tránh được sụp đổ, chúng ta sẽ phải làm việc cùng nhau để tìm ra những giải pháp cho các vấn đề của chúng ta.
    Khuyến cáo hành động:
    Đọc các cuốn sách khác của Jared Diamond, Thế giới cho đến hôm qua, và Súng, Vi trùng  Thép.

    Nếu bạn thấy những lý giải về sự sụp đổ của các xã hội là thú vị, hãy đọc thêm các công trình khác của Jared Diamond. Thế giới cho đến ngày hôm qua giải thích cách chúng ta có thể học hỏi được từ lối sống săn bắn hái lượm của tổ tiên cổ xưa của chúng ta. Trong Súng, Vi trùng  Thép, chúng ta sẽ phát hiện ra rằng các xã hội hưng thịnh hay suy vi là tùy thuộc vào môi trường sống chứ không phải là do các yếu tố sinh học.
    • Blogger Comments
    • Facebook Comments

    0 comments:

    Post a Comment

    Item Reviewed: Sụp đổ - Jared Diamond Rating: 5 Reviewed By: Cooldcs
    Scroll to Top